Vape và thuốc lá, vape có thực sự gây hại cho bạn?

Để bàn về vấn đề vape có hại hay không, trước tiên ta cần so sánh với thuốc lá truyền thống. Điều này quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, vape ra đời như một phương pháp thay thế nhằm giảm thiệt hại của thuốc lá truyền thống. Thứ hai, phần lớn các vaper vẫn còn hút thuốc hoặc đã từng hút.

Ở góc độ khoa học, không có nghiên cứu nào so sánh chuyên sâu giữa vape và thuốc lá. Thật là một thiếu sót! Dễ hiểu rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng còn vape? Vape ảnh hưởng sức khỏe bạn thế nào? Có thể vape không thực sự an toàn tuyệt đối, nhưng hãy tìm hiểu liệu vape có an toàn hơn so với thuốc lá không.

Y tế Công cộng ở Anh Quốc đã công nhận: 95% chắc chắn là vape an toàn hơn thuốc lá. Họ hiểu rằng nghiên cứu tác hại của riêng vape chỉ giải quyết được một nửa vấn đề, vì vape vốn là phương thức thay thế cho thuốc lá. Và vì không có nhiều nghiên cứu so sánh sâu, họ phải dựa vào những thông tin có sẵn về vape để so sánh với thuốc lá, chứ không nghiên cứu độc lập từng cái.

Vape có gây hại cho phổi không?

Chúng ta đã rõ về tác hại của thuốc lá đến phổi. Sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư phổi và thực quản, và một loạt các bệnh về phổi nguy hiểm như khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Nhưng còn vape thì sao?

Khói thuốc lá ảnh hưởng xấu đến phổi theo nhiều cách. Nó chứa hàng ngàn hóa chất, hơn 70 trong số đó là chất gây ung thư. Hơn nữa, chúng ta còn hút vào những hạt nhỏ sợi thuốc lá và giấy bị đốt cháy – những thứ sẽ ở lại sâu trong phổi và có thể bị chôn trong mô. Vape không tạo ra những chất gây ung thư như vậy, hoặc có thì cũng không đủ lớn để được xem là mối nguy hại, và nó cũng không chứa những hạt rắn giống như thuốc lá.  

Trên thực tế, những thứ nguy hiểm nhất từ việc hút thuốc phần lớn không xuất hiện ở vape. Vì không có sự đốt cháy trong vape nên sẽ không có những chất như tar (nhựa thuốc lá) hay carbon monoxide (chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao) được tạo ra. Đây là hai mối nguy hiểm lớn của việc hút thuốc. Vape sử dụng nhiệt từ một cuộn dây (coil) để chuyển hóa tinh dầu e-liquid thành sol khí có thể hút được. Nó trông như khói, nhưng không phải. Vậy liệu có rủi ro tiềm ẩn nào không?

Để trả lời câu hỏi trên, ta cần bàn về các thành phần trong tinh dầu e-liquid: propylene glycerol (PG), glycerin thực vật (VG) và hương liệu. Không có nghiên cứu chuyên sâu nào về tác động của việc hút PG hoặc VG hằng ngày trong thời gian dài, mặc dù các nghiên cứu trên động vật về việc hút PG chưa chỉ ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Có chăng chỉ là phát hiện ra PG gây nên sự kích thích nhỏ của đường thở, nhưng không đáng lo ngại.

Hương liệu có gây hại cho phổi không?

Hương liệu tinh dầu e-liquid cũng chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng nào. Hầu hết các hương liệu là hỗn hợp nhiều hợp chất hóa học, và có khả năng là nhiều hợp chất gây hại đến phổi. Gần đây, những hương vị này được sử dụng nghiêm ngặt trong thực phẩm, không phải sản phẩm có thể hút. Vì vậy, các nghiên cứu độc chất học đã tập trung vào việc chỉ ra rằng hương liệu là an toàn để tiêu thụ. Đây là lĩnh vực mà khoa học về vape cần bắt kịp.

Có một bài viết về diacetyl (sản phẩm phụ tự nhiên trong quá trình lên men, có trong các sản phẩm đồ uống có cồn và được bổ sung vào một số thực phẩm để tạo hương vị bơ) được tìm thấy trong tinh dầu e-liquid. Nhóm hóa chất hương liệu này được cho là nguyên nhân gây ra căn bệnh chết người – viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (popcorn lung). Đây là một dạng bệnh lý liên quan đến những tổn thương ở các vị trí nhỏ nhất ở đường thở của bạn, làm bạn bị ho và cảm giác hụt hơi thường xuyên. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là ở một nhà máy làm loại bỏng ngô tự nổ trong lò vi sóng ở Mỹ, chính vì vậy căn bệnh có tên gọi là popcorn lung.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2014 của Tiến sĩ Konstantinos Farsalinos đã kết luận rằng diacetyl và acetyl propionyl (cũng là hóa chất hương liệu) là những rủi ro có thể tránh được. Theo sau sự phát triển của vape, tinh dầu e-liquid đã được các nhà sản xuất thay đổi công thức và loại bỏ những hóa chất trên.

Những hóa chất này cũng được tìm thấy trong thuốc lá, ở mức gấp 100 – 750 lần so với bất kỳ tinh dầu e-liquid nào. Xét đến số lượng lớn hóa chất này trong khói thuốc lá, số lượng tương đối nhỏ trong vape không có khả năng là một mối đe dọa. Chúng tôi không có ý rằng chúng an toàn cho đường hô hấp, nhưng giữa thuốc lá và vape cái nào ít nguy hại hơn chúng ta có thể thấy rõ.

Vape có gây hại cho sức khỏe răng miệng không?

Hút thuốc gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe răng miệng. Tất nhiên, chúng ta đều biết những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc ung thư miệng, cổ họng và thực quản. Nhưng thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh răng miệng và nha chu, bao gồm cả nướu. Và khói thuốc lá có thể thay đổi cấu trúc vi khuẩn trong miệng, làm cho các vấn đề nha chu trở nên tồi tệ hơn.

Một lần nữa, tác dụng phụ về mặt y tế của vape đối với sức khỏe răng miệng hiện không có nhiều thông tin có sẵn. Một tài liệu đánh giá gần đây đã được xuất bản trên Tạp chí Y học về Răng miệng (Journal of Oral Pathology & Medicine), mặc dù vẫn còn ít bằng chứng, tuy nhiên, các tác giả đã phát hiện vài điều thú vị.

Một nghiên cứu thí điểm nhỏ đã kiểm tra vi khuẩn trong miệng của 10 người hút vape, 10 người hút thuốc và 10 người không hút gì. Các tác giả nhận thấy rằng lượng vi khuẩn trong miệng của 10 người hút vape gần tương tự như 10 người không hút gì, nhưng nhóm 10 người hút thuốc lại rất khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vape không làm thay đổi lượng vi khuẩn trong miệng. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ nên không được công bố rộng rãi. Bài đánh giá còn bao gồm một số nghiên cứu nhỏ khác, nhưng cũng không nhiều bằng chứng.

Cuối cùng là vấn đề thiết bị vape nổ khi đang hút. Mặc dù đúng là có một số lượng cực kỳ nhỏ các vaper gặp phải những tai nạn thảm khốc gây ra rách da mặt và răng miệng nghiêm trọng, nhưng vấn đề này nghiêng về pin của thiết bị vape nhiều hơn. Sử dụng các thiết bị hiện đại và pin chất lượng, chắc chắn không có chuyện xảy ra bất kỳ tai nạn gì.

Vape có thể gây ung thư không?

Ung thư hình thành khi độc tố phá hủy hoặc làm biến đổi DNA của một tế bào và khiến nó phát triển không kiểm soát được. Một khối u có thể không lớn hơn nữa, hoặc có thể lan rộng, và thậm chí di chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác. Chúng ta đều quen thuộc với việc hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi. Ung thư phổi giết chết nhiều người Mỹ hơn bất kỳ loại ung thư nào khác, và hầu hết (không phải tất cả) nạn nhân ung thư phổi là những người hút thuốc.

Hút thuốc cũng có thể gây ra nhiều loại ung thư khác, vì ung thư không chỉ hình thành ở những khu vực tiếp xúc với khói mà còn từ các sản phẩm phụ của khói trong máu và các cơ quan. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc có thể gây ung thư ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể.

Chất gây ung thư đã được tìm thấy trong vape, nhưng ở mức độ cho thấy nguy cơ ung thư là rất thấp. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Kiểm soát Thuốc lá (Tobacco Control), nguy cơ ung thư của vape có thể so sánh với rủi ro sử dụng các sản phẩm dược phẩm như miếng dán nicotine – ít hơn 1% nguy cơ ung thư của thuốc lá. Sản phẩm phụ duy nhất của vape gây rủi ro thực sự là carbonyl sản sinh từ việc thiết bị vape bị làm quá nóng (như được giải thích trong phần formaldehyde bên dưới).

Các nhà nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận tương tự. Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Đột biến (Mutation Research) đã thử nghiệm cả vape và thuốc lá về khả năng gây biến đổi tế bào ở vi khuẩn. Kết quả là khói thuốc có gây biến đổi, và cũng gây độc cho vi khuẩn, trong khi vape thì không.

Bản thân nicotine – trong thuốc lá hoặc vape, hoặc các sản phẩm nicotine khác – chưa được chứng minh là có thể gây ung thư. Các nghiên cứu lâu dài về liệu pháp thay thế nicotine (NRT) và người dùng Swedish snus (sản phẩm bột thuốc lá của Thụy Điển) cho thấy không có mối liên hệ có thể chứng minh giữa nicotine và ung thư.

Báo cáo về thuốc lá điện tử của Đại học Vật lý Hoàng gia cho biết bằng chứng mạnh mẽ về sự an toàn của việc sử dụng nicotine lâu dài được tìm thấy ở Nghiên cứu Sức khỏe Phổi (Lung Health Study) (đã tiến hành được 5 năm). Trong nghiên cứu đó, những người tham gia được khuyến khích tích cực sử dụng NRT trong vài tháng và nhiều người tiếp tục sử dụng trong thời gian dài hơn. Kết luận rằng không có mối liên quan nào giữa việc sử dụng NRT kéo dài và sự xuất hiện của ung thư (phổi, đường tiêu hóa hoặc bất kỳ bệnh ung thư nào) hoặc bệnh tim mạch.

Có formaldehyde trong vape không?

Formaldehyde là gì? EPA giải thích rằng, formaldehyde là một loại khí không màu, dễ cháy ở nhiệt độ phòng và có mùi rất nồng. Tiếp xúc với formaldehyde có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Bang Portland đã báo cáo vào năm 2015 rằng các thiết bị vape tạo ra lượng formaldehyde cao, thậm chí nhiều hơn cả thuốc lá. Điều họ không nhắc đến là các thí nghiệm của họ đã sử dụng thiết bị vape điện áp cao tới mức phi thực tế để tạo ra hơi mà chắc chắn không ai chịu được khi hít vào.

Trên thực tế, bạn có thể thực hiện một thí nghiệm tương tự bằng cách cho bánh mì vào lò nướng, để vậy đến khi lò nướng bốc khói và bánh mì sẽ cháy đen. Phần cháy đen này có chứa carbon, là nhân tố gây ung thư. Nhưng vì không ai có thể ăn nó, nên mối nguy này có thể tránh được. Khi nói đến bánh mì, bạn có nghĩ đến bánh mì nướng bị cháy không? Tương tự như vậy, các aldehyde (độc tố có trong rượu) được tạo ra bởi bông (wick) và đầu đốt (atomizer) không gây nguy hiểm thật sự vì chúng không thể hít vào liên tục.

Trong một nghiên cứu năm 2017, bác sĩ tim mạch Konstantinos Farsalinos đã mô phỏng thí nghiệm của Bang Portland và chỉ ra rằng hơi vape tạo ra do đốt quá nóng không hấp dẫn với người dùng. Tác giả đã viết, “Mức độ formaldehyde quá cao đã được báo cáo trong nghiên cứu trước đó là do điều kiện sử dụng không thực tế tạo ra mùi vị khó chịu và khô, hiển nhiên chúng ta đều muốn tránh chuyện đó.”

Năm 2018, Farsalinos và Gene Gilman đã viết một bài đánh giá phân tích bằng chứng từ 32 nghiên cứu về hợp chất carbonyl như formaldehyde, acetaldehyde và acrolein được tìm thấy ở vape. Các tác giả đã phát hiện ra rằng gần như hợp chất có mức độ carbonyl cao như formaldehyde được tạo ra là bởi phương pháp kém dẫn đến tình trạng hút bị khô. Họ đã đề xuất các tiêu chuẩn cho nghiên cứu tương lai xác định thông số phù hợp để làm thí nghiệm vape, bao gồm cả chế độ hút tiêu chuẩn, sử dụng đầu đốt phổ biến và cài đặt nguồn điện giống thực tế cùng với tỷ lệ PG/VG thích hợp cho thiết bị được thử nghiệm.

Các tác giả cũng giải thích rằng chúng ta hít phải 1 mg formaldehyde mỗi ngày, ngay trong nhà chúng ta. Các vaper trung bình hút 5 mg tinh dầu e-liquid một ngày, và chỉ làm tăng lượng formaldehyde thêm 0.083 mg, ít hơn 9% so với mức bình thường. Có thể thấy điều này không đáng kể.

Kết luận

Thuốc lá tàn phá cơ thể, những tác hại đã được chứng minh. Nhưng không có bằng chứng nào chỉ ra ảnh hưởng sức khỏe tương tự hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào đối với vape. Bản thân nicotine cũng không chịu trách nhiệm trực tiếp cho bất kỳ hậu quả khủng khiếp nào của việc hút thuốc. Và với việc vape không chứa nhiều hóa chất độc hại như thuốc lá, vape vẫn là lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc hút thuốc.

Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments